Ban đầu có thể chỉ là chơi. Nhưng liệu có sự trùng hợp ngẫu nhiên nào khi tầm vóc của bầu Hiển trên thương trường song hành với quy mô bóng đá mà ông phủ bóng?
Sân Hà Tĩnh vỡ trong một buổi chiều V-League. Vậy mà hơn 2 năm trước, Hà Tĩnh còn chưa có đội bóng đỉnh cao. Gần 100 tỉ nuôi đội Hà Tĩnh từ năm ngoái, trong đó có 60 tỉ mùa này là tiền của bầu Vượng Vingroup.
Nhưng, đội bóng cầm chân ĐKVĐ Hà Nội bên hữu dòng sông Lam là đội trẻ cũ của Hà Nội đem tặng Hà Tĩnh. Một sản phẩm của bóng đá “Made by Bầu Hiển”.
Tiền trong bóng đá Việt Nam còn quan trọng hơn cả xăng với một chiếc xe hơi. 60 tỉ và cả cầu thủ trưởng thành từ lò PVF đóng góp cho Hà Tĩnh cho thấy tầm quan trọng của bầu Vượng.
Nhưng người ta vẫn nói nhiều hơn về bầu Hiển. Một quy trình làm bóng đá mà cần phải nhìn lại toàn bộ 15 năm qua nếu muốn tìm một sự lý giải.
Món quà cho Phú Thọ
Theo tìm hiểu từ Sai Gon TV, chỉ trong cùng một ngày, cùng một địa điểm, xảy ra hai sự việc tưởng như tách biệt, nhưng lại liên quan mật thiết với nhau: Việc đầu tiên là bầu Hiển tặng đội U21 Hà Nội cho Phú Thọ, chuyển giao toàn bộ ban huấn luyện và các cầu thủ năm ngoái vô địch giải U21 quốc gia mà không thu đồng nào; Việc thứ hai là Tập đoàn T&T trong việc đề xuất phát triển các dự án bất động sản, sân golf và thể thao trên địa bàn tỉnh, và được lãnh đạo Phú Thọ cam kết ủng hộ.
Nếu miếng trầu là đầu câu chuyện thì với bầu Hiển, bóng đá là miếng trầu của kinh doanh. Ông có hơn 10 năm kinh nghiệm tiếp cận theo cách này.
Món quà cho Quảng – Đà
Năm 2008, ông tiếp cận với thành phố biển Đà Nẵng đầy tiềm năng với sự kiện đầu tư vào CLB bóng đá nơi đây, gắn tên ngân hàng của ông vào với tên CLB. Kéo theo sau đó là các dự án làm ăn. Toà nhà dát vàng nổi tiếng ở Đà Nẵng và trên báo chí thời gian qua là của SHB. Dự án Cocobay hoành tráng cho tới trước khi mô hình condotel không còn là mốt do SHB bảo lãnh tài chính.
Ba năm sau, Bầu Hiển đi tiếp. Chặng dừng chân tiếp theo là một nửa còn lại của xứ Quảng Đà ngày trước, Quảng Nam.
Năm 2011, Công ty cổ phần đầu tư QNK Quảng Nam được thành lập. Trụ sở của nó nằm ở sân bóng đá Tam Kỳ. QNK chỉ vài tháng sau nhận tài trợ cho CLB Quảng Nam, theo đúng công thức của SHB và Đà Nẵng, đổi tên CLB thành QNK Quảng Nam.
Đến nay, trong danh sách bảy công ty liên doanh, liên kết của T&T vẫn có tên QNK Quảng Nam dù cho đội bóng Quảng Nam đã quay trở lại với cái tên ban đầu.
Rồi bầu Hiển thực hiện chiến lược Nam Tiến. CLB Hà Nội đổi tên thành Sài Gòn FC cách nay 5 năm, Chính sách ngoại giao bóng đá lần này không thực sự như ý, nhưng dù sao thì các dự án ở phương Nam của T&T cũng được triển khai.
Món quà cho Hà Tĩnh
Vẫn chưa hết. Cách nay ba năm, bầu Hiển tặng cả đội Hà Nội khác vừa mới thăng từ hạng Nhì lên hạng Nhất cho Hà Tĩnh. Vụ chuyển hộ khẩu này bị VFF tuýt còi. Phải đợi 1 năm chơi ở hạng Nhất rồi đội bóng mới được chuyển giao, đóng quân bên dòng sông Lam.
Mới đây, báo Nhà Đầu tư đưa tin: “Tập đoàn T&T tìm hiểu đầu tư dự án Khu đô thị sinh thái, du lịch, vui chơi giải trí đảo Xuân Giang 2 và dự án Khu đô thị thương mại dịch vụ, biệt thự sinh thái Nam Cầu Phủ”.
Tiếp tục trở lại miền Bắc, bầu Hiển tiếp quản đội bóng nữ Thái Nguyên. Và gần đây, siêu dự án Đông Tam Đảo của tỉnh này được cho là nằm trong kế hoạch đầu tư của họ.
Hometown Hà Nội
15 năm trước, bầu Hiển đến với bóng đá mà không ai nghĩ bóng đá của bầu Hiển lại được việc như ngày hôm nay.
Riêng ở Thủ đô, ông chỉ là nhân vật thứ ba, sau bầu Kiên ABC và bầu Long Hoà Phát. Ba năm thăng ba hạng là thành tích đặc biệt, nhưng với một mặt bằng các giải cấp thấp của Việt Nam vốn yếu cả về chất lẫn số lượng thì đó cũng là việc rất đỗi bình thường.
Từ chỗ là khách của sân Hàng Đẫy vốn do bầu Kiên và bầu Long chung tiền sửa sang thì nay bầu Hiển một mình tiếp quản sân Hàng Đẫy.
Sân Hàng Đẫy năm ngoái trở thành tâm điểm của truyền thông với dự án Tổ hợp sân Hàng Đẫy với nhiều công năng có trị giá đầu tư 6000 tỉ.
Và bầu Hiển được tiếp nhận một dự án lớn ở Mỹ Đình từ Sở Thể dục Thể thao Hà Nội để xây dựng một tổ hợp quần vợt có thể đăng cai các giải ATP Tour, trong khi Hà Nội ký hợp tác với Melbourne – thành phố chủ nhà của giải Grand Slam Úc Mở rộng.
Cả hai dự án này giờ đang tắc. Bầu Hiển vừa mới đứng lên kêu gọi khai thông với các lý do “Khán đài B sân Hà Nội có nguy cơ sập không ai dám ngồi” ở cuộc gặp giữa các doanh nghiệp với lãnh đạo Hà Nội ngày 16-4.
V-League có 14 đội, bầu Hiển có liên quan và hỗ trợ cho hơn 1/3. Cả Việt Nam có khoảng 30 tỉnh có đội bóng chuyên nghiệp hoặc nghiệp dư, nam hoặc nữ, bầu Hiển cũng đã hợp tác với gần chục tỉnh thành (thậm chí lên tận Hà Giang). Nó lý giải tại sao bầu Hiển lại cần đầu vào cho bóng đá nhiều như thế.
Đầu vào & Đầu ra
Đầu vào ở đây chính là cầu thủ trẻ, dù bầu Hiển không trực tiếp làm từ U11 hay U13. Nhiều trung tâm hợp tác cung cấp cầu thủ cho bầu Hiển, từ “cá thể” như lò Văn Sỹ Hùng ở Nghệ An cho tới “tập đoàn” như PVF của Vingroup.
Bầu Hiển cũng từng bỏ tiền để mua lại đội hạng Nhất Viettel hồi năm 2010 để có được hàng loạt cầu thủ tài năng như Văn Quyết, Ngọc Duy… Ông cũng may mắn đón được “báu vật” của bầu Kiên là Thành Lương sau khi bầu Kiên sa cơ và HN ACB phải giải tán.
Cả lò đào tạo bóng đá trẻ của Sở TDTT Hà Nội vốn có trách nhiệm luân phiên cung cấp quân trẻ cho các đội bóng Thủ đô giờ chỉ dành cho mỗi bầu Hiển.
Nhờ vậy mà ông may mắn nhận được từ Quang Hải tới Hùng Dũng – hai Quả bóng Vàng Việt Nam 2019 và 2020.
Hùng Dũng mới đây khi lý giải về sự thăng tiến trong sự nghiệp của anh, và sự trưởng thành của nhiều cầu thủ trẻ khác ở Hà Nội, ấy là nhờ có Văn Quyết và Thành Lương. Đó là cơ may của Dũng.
Và cũng là cơ may của bầu Hiển với chơi và kinh doanh bóng đá là một.
Bài viết liên quan
Bình luận