Những gì Quang Hải đang trải qua là khó khăn không thể tránh của một cầu thủ bóng đá vùng trũng đi qua châu Âu.
Rào cản ngoại ngữ. Rào cản thể hình, thể lực. Rào cản về ý thức chiến thuật. Rào cản về định kiến phân biệt châu lục. Đó là những rào cản nhìn thấy, chưa kể những thách thức vô hình như vấn đề kỳ vọng, áp lực tâm lý chẳng hạn.
Đại đa phần trong số chúng ta đều biết Quang Hải phải dối diện với ngần ấy thứ. Nhưng nhân sinh quan của bóng đá Việt làm chúng ta quên nó, và đòi hỏi Hải phải thành công ngay mùa này.
Ngay cả hai chữ thành công chúng ta cũng phải cân nhắc rất kỹ. Chỉ có ảo tưởng mới nghĩ thành công ở đây là chinh phục, là khiến cho giải Ligue 2 của Pháp ghi nhận một ngôi sao mới, là giúp một đội bóng tỉnh lẻ Pau FC lột xác.
Thành công là tìm được một chỗ đứng nào đó trong kế hoạch của HLV trưởng, trong cả một chặng đường dài hơi của Pau FC, thậm chí khiêm tốn hơn: Cho mọi người thấy tiềm năng của Hải để có cơ hội tiếp tục ở mùa sau.
Giá trị thật của Quang Hải
Quang Hải đến với Pau FC sau khi từ chối Atletico Madrid hay những mức lương khủng là thông tin mà người đại diện cũ (Mr. Nguyễn Đắc Văn) của Hải cố gắng thuyết phục mọi người tin đó là sự thật.
Còn bây giờ, theo sportsalary (một chuyên trang về lương của bóng đá TG), Quang Hải đang nhận mức lương 680 bảng Anh/tuần ở Pau FC, 2700 bảng/tháng, khoảng 35 ngàn bảng hay hơn 1 tỉ đồng/năm.
Với mức ấy, Quang Hải đứng thứ 19 trên bảng lương của CLB với người cao nhất Henry Saivet (3500 bảng/tuần, người từng đá cho Newcastle).
Vị trí bảng lương đó tương ứng với vị trí trên bảng xếp hạng năng lực, đóng góp của Hải ở Pau FC tại thời điểm của mùa giải 2022/23.
Mức lương này dĩ nhiên thua xa so với mức thu nhập của Hải mà bất cứ CLB nào ở Việt Nam sẽ trả cho cậu ấy dù là Hải ở lại Hà Nội FC, đi Nam Định hay là khoác áo Công An Hà Nội.
Đó không hẳn là sự điên rồ riêng lẻ của một vài CLB. Nó phản ánh thị trường bóng đá Việt Nam nói riêng và cả thị trường lao động VN nói chung trong mối tương quan rằng chúng ta là một thực thể khác biệt so với thế giới.
Rất nhiều lao động Việt với những tấm bằng loại giỏi ở Việt Nam, thành công ở Việt Nam nhưng khi ra nước ngoài làm việc họ cần được đào tạo lại.
HLV Troussier phần nào đã chỉ ra điều đó, rằng bóng đá châu Âu chơi theo một cách khác, còn bóng đá Việt Nam đá theo một cách khác. Cầu thủ VN thì giỏi nhưng ở Pháp thì không dù cho một CLB hạng Nhì của Pháp sang VN đá chưa chắc đã thắng dễ một CLB V-League.
Sự khác biệt giữa BĐVN so với châu Âu đến từ nền tảng bao gồm hệ thống đào tạo trẻ, HLV trẻ, tới cách vận hành của một CLB chuyên nghiệp và hệ thống các giải đấu.
Ở V-League, các bản hợp đồng với cầu thủ ngoại đa phần có thời hạn 1 năm, nơi một cầu thủ bị coi là không thành công nếu anh ta không chứng tỏ được mình với CLB mới sau 3-5 trận đấu, có thể ra đường chỉ sau nửa mùa.
Còn hợp đồng của bóng đá TG đa phần là 3-5 mùa giải. Cũng không phải hiếm những cầu thủ mất 1-2 năm đầu tiên chật vật thích ứng, chứng tỏ bản thân. Dalot ở MU, Kalvin ở MC, Saliba ở Arsenal…
Son Heung Min trình độ và đẳng cấp như thế, để tỏa sáng ở Tottenham cũng phải mất nhiều năm tháng và bước đệm.
Quang Hải chấp nhận thu nhập giảm để đi Pau FC đã thể hiện ý chí và khát vọng cá nhân tuyệt vời.
Con đường ấy rất cần sự kiên nhẫn và xứng đáng có những sự động viên.
Bây giờ chưa phải là lúc rút kinh nghiệm để xem đáng ra Hải cần làm gì khi chuẩn bị xuất ngoại dù tôi nghĩ có rất nhiều thứ. Bỏ cuộc lúc này cũng có nghĩa là hết, sẽ tiếc lắm đấy.
Click ngay bóng đá trực tiếp để theo dõi hành trình của ĐT nữ Việt Nam tại World Cup 2023.
Bài viết liên quan
Bình luận